Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Cuối tháng 8

Cuối tháng 8, những cơn mưa Sài Gòn nghịch ngợm thử thách tính kiên nhẫn của lòng người. Cứ rảo qua, rảo lại, rắc rắc những giọt nước trong veo xuống đường rồi nhẹ nhàng biến mất theo cách mà nó xuất hiện. Cũng có khi nó ào tới một cái, ào đi mấy lần cũng chẳng xong, lằng nhà, lằng nhằng, to to nhỏ nhỏ, khó chịu bắt bực mình. 

Những dự định vì thế, cũng thay đổi, theo những ngày mưa.

Cuối tháng 8, hoàn thành một bài viết nhảm về sự thay đổi. Mình viết kiểu như hô khẩu hiệu vì nó hiển nhiên đúng, nhưng bản thân chẳng áp dụng bao nhiêu. Mình tự cười vào cái bản mặt láo láo của mình rồi tự hỏi : " Điều gì làm bản thân mày thực sư thay đổi ?" Chả cần suy nghĩ, chỉ có một câu trả lời duy nhất mà chẳng bao giờ mong nó xảy ra, bởi cái tính vốn yêu quý bản thân quá đáng của mình.

Đó chính là biến cố.

Cuối tháng 8, bạn nói về biến cố trong đời bạn. Mẹ bạn đã mất trong sự nhẹ nhàng và ba bạn đang sống trong s đau đớn. Bạn nói giọng nhẹ nhàng, tưng tửng, như có, như không. Mình cảm được bạn đang tồn tại đâu đó, rất sâu trong cảm nghiệm, về sự sống và cái chết, về triết lý đạo Phật và những điều nên và không nên cho tròn chữ hiếu đạo làm con. 

Mình cúi mặt, muốn khóc, vì mình không bao giờ được như bạn, mình sân si đúng kiểu một con người u muội trong cõi mê của sự tham ái tầm thường này. 

Cuối tháng 8 dương, cũng là giữa tháng 7 âm, con người u muội ấy hay nghĩ về bố mẹ mình. Con người ấy muốn bay về thả mình trong sự nuông chiều dễ dãi được gọi là tình mẫu tử theo cách - rất - riêng của mẹ. Con người ấy muốn ra vườn, di chuyển những chậu lan theo chu kỳ hứng sáng của nó, và nghe bố kể chuyện về tâm tình của mỗi loại lan, về lối sống, tính cách và cách ứng xử với chúng. Bố có bao giờ hỏi và lan cũng có có bao giờ trả lời đâu, nhưng luôn tồn tại chính giữa ấy, một sự giao thoa của sự thấu hiểu và yêu thương một cách kỳ lạ.   

Bố nuôi con của bố lớn lên, như cách mà bố chăm sóc từng câu lan trong vườn vậy.

Cuối tháng 8, con của bố có nhiều biến cố tình cảm. Chàng trai tháng 8 hẹn, chẳng hiểu sao con của bố lại nhận lời gặp. Sau bao nhiêu năm, chàng tháng 8 vẫn lưu số điện thoại con của bố bằng cụm từ rất thân thương " Em của tôi". Con của bố cười khẩy, không biết có bao nhiêu "em của tôi" như vậy hiện diện trong cuộc sống của chàng. Những nickname tồn tại như con dao cùn, dai dẳng, dằn từng vết lên sự nhẫn nhịn, chịu đựng của vợ chàng, nhưng cũng không đủ sắc để cắt bỏ đi những mối quan hệ mập mờ xung quanh. 

Con của bố may mắn tỉnh táo không bị vướng vào cái vòng luẩn quẩn ấy, nhưng cũng không phủ nhận chuyện này ảnh hưởng đến câu chuyện với chàng trai tháng 12. Không dễ để mở cửa trái tim, bây giờ con của bố  lại phải  loay hoay, vụng về một mình đóng cửa nó lại. Người ta không còn yêu mình nữa, thì làm cho người ta ghét mình vậy. Để người ta không còn tốt với mình, người ta không ưa mình, thì mình cũng dễ ghét người ta hơn, quên càng dễ hơn. Cái lý sự  cùn của những đứa Thiên Yết thường tự làm đau mình bởi những quy tắc và ranh giới yêu ghét rõ ràng bất di bất dịch, sự ngu ngốc ấy, mãi chẳng thay đổi được . Nên lại phải vất vả cố gắng vượt qua, như đã từng làm với chàng trai 17 tháng 4 vài năm về trước...



Cuối tháng 8, cái đầu suy nghĩ mông lung làm cho ngôn từ va vấp, lủng cà lủng cũng, nhảy qua nhảy lại giữa ý tứ và những dấu chấm câu. Vô nguyên tắc, lộn xộn, nông nổi và tối nghĩa. Hình như nguyên nhân chính, là sự ách tắc, ở một nơi nào đó, không phải là cái đầu.

 Mà là trái tim. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét