Ở
quán Tĩnh Lặng có một người đàn ông đã ngoại ngũ tuần, ban ngày coi xe, ban đêm
thì bưng bê phục vụ tính tiền cho khách. Giữa những khoảng trống của công việc,
ông hay ngồi ở một góc khiêm tốn, nhìn vào những khoảng không khiêm tốn rồi thì
buồn một nỗi buồn khiêm tốn nào đó.
Đó
là tôi nghĩ vậy.
Ở
quán Tĩnh Lặng, có một người đàn ông đã ngoại ngũ tuần, ban ngày tạt qua tạt lại
tuỳ hứng, ban đêm sau 9 giờ mới thấy có mặt. Ông không bưng bê, cũng không tính
tiền cho khách, chỉ lấy tiền từ tủ và bỏ vào túi mỗi khi ra về. Giữa những khoảng
trống của sự quán xuyến, ông hay ngồi ngay giữa quán, đối diện của ra vào, nhìn
bâng quơ, bao quát khắp nơi và dừng lại rất lâu ở bàn thờ Phật, rồi thì tự hào
về một niềm vui nào đó, chỉ hơi hơi khiêm tốn.
Đó
là tôi nghĩ vậy.
Ở
quán Tĩnh lặng, có một người đàn ông hay buồn những nỗi buồn khiêm tốn. Nỗi buồn
của một người hay vọng về quá khứ, mặc cảm về thân phận, về nghề chấm sửa hình,
rửa hình thủ công đã bị thời đại công nghệ bỏ quên và về một mối tình đổ vỡ
trong ray rứt. Đêm lầm lũi quằng quèo một mình trên con đường Hoàng Sa, hình
như là bờ kè bên kia khu Thị Nghè, về căn chung cư nhỏ nào đó có tên là Nguyễn Đình
Chiểu.
Lẻ
loi, lạc lõng
Đó
là ông nói vậy.
Ở
quán Tĩnh Lặng, có một người đàn ông, hay vui vẻ nói cười về những đạo pháp, Phật
giáo. Toát rõ niềm vui của một người hiểu biết về tông giáo đang được
cho là sành điệu. Ông luôn tự hào về những điều mình đã làm được, những mối
quan hệ rộng rãi và một gia đình hạnh phúc vợ đẹp con ngoan. Đêm về thẳng một đường
ra Phan Đình Phùng, qua cầu Kiệu rồi vào thẳng căn nhà 4 tầng đối diện công viên
Lê Văn Tám trên đường Hai bà Trưng, quận nhất.
An
nhiên, trọn vẹn
Đó
là ông nói vậy.
Ở
quán Tĩnh Lặng, có một người đàn ông quá tĩnh lặng, và một người đàn ông chỉ hơi
hơi tĩnh lặng. Hai con người, hai số phận, hai ngã rẽ khác nhau trong cuộc đời.
Nhưng ai là người gần với sự Tĩnh Lặng Cân Bằng hơn?
Đó
là tôi hỏi vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét